Quản trị rủi ro trong xuất khẩu
- 21/08/2017
- Posted by: admin
- Category: Tổng hợp
Xuất khẩu đang đem lại nguồn thu rất lớn nhưng không ít doanh nghiệp (DN) bị trả hàng về do chưa hiểu rõ quy định của các nước sở tại. Để giải quyết tình trạng này, DN phải hiểu luật và đổi mới, cải tiến mọi hoạt động theo xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0.
Một trong những điều đầu tiên DN cần chú ý là phải hiểu thật cặn kẽ luật của quốc gia mình muốn bán hàng.
Hiểu luật để không phạm luật
Chẳng hạn như xuất khẩu thực phẩm sang Mỹ, DN phải biết Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm, các quy định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA)… Xuất khẩu sang Nhật, trước tiên DN phải tuân thủ chặt chẽ các luật lệ và quy định của Việt Nam, trong đó đặc biệt chú trọng các vấn đề về lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, tiền lương và lợi ích của người lao động… Chia sẻ tại hội thảo Xử lý các cảnh báo nhập khẩu của FDA Hoa Kỳ, ông Nestor Scherbey – chuyên gia của Liên minh Tạo thuận lợi hóa thương mại toàn cầu, chuyên gia Hải quan Thế giới (WCO) cho biết, nếu DN không tìm hiểu kỹ sẽ đối mặt với các khởi tố dân sự, hình sự của Tòa án Liên bang, thậm chí là cấm vĩnh viễn xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Trên thực tế, các DN Việt Nam khi xuất khẩu sang Mỹ gặp nhiều khó khăn vì FDA thường xuyên cập nhật các quy định và thay đổi các tiêu chí ngày càng khắt khe hơn, trong khi các DN Việt lại rất chậm chạp trong việc nắm bắt những quy định này. Cụ thể, FDA quy định các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói hoặc lưu giữ sản phẩm cho người và động vật muốn nhập khẩu vào Mỹ phải đăng ký với FDA trước khi cơ sở bắt đầu sản xuất, phải đăng ký lại sau mỗi 2 năm… Vì chậm cập nhật thông tin nên các DN thường mắc lỗi kiểm soát chất lượng đầu vào, bị cảnh báo nhập khẩu từ FDA… Theo các số liệu thống kê, tính đến đầu tháng 7/2017, đã có 530 trường hợp DN Việt Nam vi phạm các quy định nhập khẩu vào Mỹ bị FDA cảnh báo. Theo ông Nestor Scherbey, muốn an toàn, các DN cần phải có đại lý tại Mỹ. Nếu không đăng ký và chỉ định đại lý thì hàng hóa sẽ không được nhập vào Mỹ mà bị Cục Hải quan giữ lại. Và một khi hàng hóa bị giữ lại thì DN phải chịu phí lưu giữ, vận chuyển…, quan trọng hơn là phải đối mặt với các khởi tố dân sự, hình sự.
Liên quan đến vấn đề này, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, xu hướng về tiêu chuẩn chọn lựa hàng hóa trên thị trường thế giới đang thay đổi rõ rệt. Điều này thấy rõ qua việc nhiều DN Việt Nam gặp trục trặc khi xuất hàng vào thị trường Mỹ do nước này áp dụng Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm trong khi DN chưa nắm chắc luật này. Để việc xuất khẩu thuận lợi, DN cần tìm hiểu, cập nhật các luật lệ, quy định của các nước, đồng thời phải đảm bảo tiêu chuẩn và sự ổn định của chất lượng hàng hóa.
Thay đổi theo cách mạng công nghiệp 4.0
Bên cạnh việc nắm rõ quy định của các nước, DN phải thay đổi nội tại theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chia sẻ tại diễn đàn xuất khẩu 2017 với chủ đề “Nhận diện thị trường và quản trị rủi ro trong xuất khẩu” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức, ông Nguyễn Phú Hòa – Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, kinh tế toàn cầu đã có những diễn biến khó lường như nước Mỹ nêu quan điểm rõ rệt về bảo hộ thị trường, sản xuất trong nước…; Trung Quốc tái cơ cấu, tập trung vào thị trường nội địa và có những chiến lược mạnh mẽ để cạnh tranh với Nhật Bản, Hàn Quốc… Cùng với đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ, làm thay đổi phương thức sản xuất, dịch vụ, thương mại…, khiến cho chiến lược phát triển của các nước dựa vào thu hút đầu tư nước ngoài và lợi thế lao động giá rẻ có nguy cơ phá sản. Những diễn biến trên tạo ra những khoảng cách quá lớn và những rủi ro khó tránh khỏi cho DN Việt Nam.
Cùng quan điểm này, ông Yuichiro Shiotani – Tổng giám đốc Topvalu Japan chia sẻ thêm, tự động hóa đang là xu hướng của thời đại ở khắp nơi trên thế giới. DN muốn khẳng định vị trí, bán được sản phẩm thì phải tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm, phải cho người tiêu dùng thấy được sự đổi mới, sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm thì mới có thể tăng sản lượng hàng xuất khẩu. Đây là điểm yếu mà các DN Việt Nam cần phải khắc phục. Dẫn chứng cho luận cứ của mình, ông Yuichiro Shiotani đưa ra số liệu nhập khẩu hàng may mặc và tiêu dùng của Nhật Bản. Cụ thể, trong 600 triệu USD nhập khẩu hàng may mặc và tiêu dùng của nước này chỉ có 28 triệu USD từ 50 nhà cung cấp Việt Nam, trong khi Trung Quốc chiếm tới 400 triệu USD và 430 nhà cung cấp.
Ngoài những yếu tố trên, theo các chuyên gia, để tăng lượng hàng xuất khẩu, DN phải tận dụng triệt để các ưu đãi thuế quan tại những thị trường Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại như Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên minh Kinh tế Á – Âu… Bên cạnh đó, trong quá trình xuất khẩu, việc quản trị rủi ro thanh toán cũng rất quan trọng. DN nên thiết lập các khung rủi ro khi xuất khẩu để có phương án dự phòng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tránh bị động.