Sở hữu một trong 4 kỹ năng này, bạn sẽ không bao giờ sợ bị robot cướp mất việc
- 25/01/2019
- Posted by: admin
- Category: Lãnh đạo & Quản lý
Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, có nhiều lo ngại rằng robot sẽ nhanh chóng cướp mất công việc của con người trong tương lai. Tuy nhiên, nếu sở hữu một trong 4 kỹ năng này, bạn sẽ không bao giờ sợ bị thay thế.
Trước hết, phải thừa nhận, việc robot và trí tuệ nhân tạo (AI) đủ khả năng lấy đi một số công việc của con người là dự đoán hoàn toàn có cơ sở. Do đó, để có thể cạnh tranh và thắng được AI, trước nhất, cần phải hiểu trí tuệ nhân tạo là gì cũng như các thế mạnh hiện nay của nó. Sau đó, chúng ta cần thiết xác định những lĩnh vực nằm ngoài khả năng của máy móc, để từ đó phát triển sự nghiệp xung quanh các lĩnh vực này.
Hiểu một cách đơn giản, AI là trí thông minh của máy móc, trái ngược với trí thông minh tự nhiên đến từ con người hay động vật; và khái niệm này thường được dùng để đề cập đến những máy móc có khả năng tự suy nghĩ, tự đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu đã được nạp sẵn.
Hiện tại, AI là công cụ đắc lực nhất trong việc xử lý các khối dữ liệu có dung lượng lớn, thực hiện các công việc nhàm chán, lặp đi lặp lại, và trả lời một số câu hỏi đơn giản khi chăm sóc khách hàng hay tuyển dụng. Nhờ các thuật toán tinh vi, AI có thể thực hiện những phép tính nhanh chóng và chính xác, hỗ trợ tốt cho con người trong việc nghiên cứu và phát triển.
Một vài “gương mặt” AI nổi tiếng trên thế giới, phải kể đến Watson của IBM, và Azure Machine Learning của Microsoft. Bên cạnh đó là một số phần mềm trợ lý ảo quen thuộc, được sử dụng trong cuộc sống hằng ngày như Siri, Cortana, và Alexa.
Nhưng vẫn có những kỹ năng mà robot không thể nào thay thế được con người. Đó là:
1. Tư duy sáng tạo
Dù hiện nay, AI đã sở hữu khả năng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật, sáng tác nhạc hay viết chữ, song chúng chỉ có thể làm được như thế nhờ việc phân tích các dữ liệu sẵn có, chứ không thể tạo ra một cái gì đó hoàn toàn mới. Đến nay, việc cho ra đời những ý tưởng chưa từng xuất hiện là công việc chỉ có con người mới làm được. Dù ngành nghề hiện tại của bạn không đòi hỏi sự sáng tạo nhiều như việc phát minh, soạn nhạc hay viết văn…, thì kỹ năng tư duy sáng tạo vẫn giữ nguyên giá trị hữu ích của nó trong giải quyết vấn đề, bất kể đó có là lĩnh vực nào đi nữa.
Ví dụ, một người làm việc ở bộ phận tuyển dụng, với mục tiêu thu hút ứng viên đến website của công ty mình, có thể nghĩ ra nhiều phương pháp mới, vốn không có trong sách vở, để gây ấn tượng với ứng viên. Sau đó, họ có thể thử nghiệm trên nhiều kênh tiếp cận để tìm ra cách tối ưu nhất. Ngược lại, nếu để máy móc đảm nhận nhiệm vụ tìm ứng viên, nó không thể tự nghĩ ra các phương pháp mới, mà chỉ có thể sử dụng các phương pháp đã được “học” từ trước, dựa trên nền tảng dữ liệu đã giúp tạo ra thuật toán của nó.
2. Cảm thông
Sự cảm thông là một trong những khía cạnh làm nên con người, và là kỹ năng đặc biệt hữu dụng trong ngành dịch vụ hoặc các lĩnh vực cần sự tương tác giữa người với nhau. Để thấy rõ hơn về sự hạn chế của AI đối với kỹ năng này, có thể lấy impress.ai – một phần mềm ứng dụng AI dành cho nhà tuyển dụng – làm ví dụ. Impress.ai có thể hỗ trợ giai đoạn đầu của quá trình tuyển dụng bằng cách triển khai những cuộc phỏng vấn đánh giá năng lực với quy mô lớn. Tuy nhiên, để có thể hoàn thành quá trình này, người tuyển dụng vẫn phải trực tiếp gặp gỡ ứng viên mới đưa ra được quyết định cuối cùng.
Thực tế, dù các chatbot (phần mềm đối thoại) có tân tiến đến đâu đi nữa, thì bản thân chúng cũng không thể liên kết và thấu hiểu người khác về mặt cảm xúc để đưa ra quyết định. Nói một cách dễ hiểu, robot không thể đặt bản thân chúng vào hoàn cảnh của người khác. Trong khi đó, đây lại là kỹ năng cần thiết để thấu hiểu cảm xúc của người khác, hỗ trợ tốt môi trường làm việc nhóm và giúp truyền đạt ý tưởng một cách hiệu quả.
Có thể nói, cảm thông là một trong những kỹ năng giao tiếp quan trọng, nhất là với vị trí quản lý hoặc thực thi dự án. Rõ ràng, một cỗ máy sẽ không thể nào giải quyết mâu thuẫn giữa các nhân viên hoặc an ủi ai đó vừa bị đình chỉ công tác.
3. Lập kế hoạch
Nếu đã từng chơi đánh cờ online với đối thủ là một chiếc máy vi tính, bạn sẽ nhận ra rằng, nó cũng thành thạo và giỏi không kém gì so với một người thật cả. Thông thường, những trò chơi mang tính chiến lược như đánh cờ đều được ràng buộc bởi các quy luật và có kết quả dựa trên logic hay mối quan hệ “nguyên nhân – kết quả”. Thế nên, phần lớn chúng đều có thể được dự đoán trước; do đó, máy móc cũng có thể “học” chúng một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, bối cảnh bên ngoài lại không hề dễ đoán như vậy. Trên thực tế, nhiều ngành nghề đòi hỏi người làm việc phải sở hữu kỹ năng hoạch định đường đi nước bước cho cả những viễn cảnh hết sức khó đoán, kỹ năng sắp xếp thứ tự ưu tiên hay bổ sung thông tin v.v.. Ví dụ, khi lên kế hoạch phân công cho các tổ để đạt mục tiêu chung, một người quản lý dự án cần phải cân đo đong đếm giữa nhiều yếu tố, xem xét lịch trình và xác định cả thứ tự ưu tiên.
4. Đánh giá
Trong những tình huống nhập nhằng về mặt luật pháp, AI khó có thể đóng vai trò một luật sư để đưa ra phán quyết cuối cùng. Bởi vì, trong những vấn đề liên quan đến đạo đức, trắng – đen thường khó phân định; nên robot, vốn là những chiếc máy được lập trình sẵn, không thể nào tự phân định được việc gì “nên làm” hoặc “không nên làm”. Dẫu vậy, AI có thể giúp trợ lý luật sư thực hiện việc thu thập thông tin khi thụ lý một vụ việc nào đó, vì đây là công việc lặp đi lặp lại và robot có thể làm tốt việc này.
Tuy nhiên, với công việc luật sư hoặc thẩm phán, vốn là những vị trí đòi hỏi tư duy ở mức độ cao hơn để biện hộ hoặc đưa ra phán quyết, robot không thể nào thay thế họ được.
KHỞI VŨ