Doanh nghiệp cần phải thường xuyên phân tích những nỗ lực tiếp thị để tìm ra những hoạt động không cần thiết, làm lãng phí nguồn ngân sách của mình. Sản xuất dư thừa, nhân sự cồng kềnh, quy trình phức tạp, truyền thông không hiệu quả… là những nguyên nhân phổ biến làm cho doanh nghiệp bị “cạn kiệt” ngân sách tiếp thị. Dưới đây là bảy lĩnh vực mà doanh nghiệp cần xem xét về việc sử dụng các nguồn lực tiếp thị.
1. Các hoạt động
Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng ngàn cuốn brochure nhưng chẳng có kế hoạch sử dụng rõ ràng. Lại có những doanh nghiệp đã cử người tham gia nhiều sự kiện để xây dựng các mối quan hệ với khách hàng nhưng rồi chẳng có ai xúc tiến các hoạt động sau đó. Tình trạng sản xuất dư thừa thường là hậu quả của việc hoạch định kém.
Để khắc phục tình trạng trên, doanh nghiệp cần phải đánh giá hiệu quả đầu tư (ROI) của các hoạt động tiếp thị, từ đó tập trung vào các hoạt động thành công và loại bỏ những hoạt động lãng phí, dành ngân sách tiếp thị cho các đề xuất cải thiện kinh doanh khác.
2. Con người
Quá nhiều người tham gia vào các hoạt động tiếp thị sẽ là một sự lãng phí lớn. Giám đốc tiếp thị hay tổng giám đốc điều hành (CEO) cần phải xây dựng kế hoạch tiếp thị, các chương trình hành động và thuê chuyên gia bên ngoài khi cần thay vì phải tổ chức một bộ máy nhân sự cồng kềnh để tự thực hiện tất các các hoạt động tiếp thị. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp không cần phải có một giám đốc tiếp thị nếu đã có các chuyên gia tư vấn thích hợp.
3. Quy trình
Marketing là một quá trình tiếp cận với khách hàng triển vọng, chuyển họ thành khách hàng đích thực. Một quy trình marketing quá phức tạp chắc chắn sẽ làm lãng phí ngân sách. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải lập ra các quy trình tiếp cận khách hàng, chuyển hóa khách hàng, xử lý các yêu cầu của khách hàng và xây dựng quan hệ với khách hàng, qua đó loại bỏ những hoạt động không mang lại giá trị.
4. Sự chờ đợi
Khi cơ chế truyền đạt thông tin phải qua nhiều tầng nấc, doanh nghiệp khó có thể hành động nhanh chóng và dễ đánh mất các cơ hội. Nếu nhân viên tiếp thị không năng động, lúc nào cũng trông chờ lệnh của cấp trên thì doanh nghiệp sẽ bị lãng phí các nguồn lực.
5. Chi phí truyền thông, quảng bá
Các phương thức truyền thông cũ như thư, fax, điện thoại, liên hệ trực tiếp… hiện có chi phí khá cao so với các phương thức sử dụng Internet, do đó chỉ nên sử dụng chúng trong trường hợp thật sự cần thiết. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp chuyển được từ bản tin in trên giấy hàng tháng sang thư điện tử thì ít sẽ tiết kiệm được khá nhiều chi phí.
6. Thử nghiệm và sai sót
Thử nghiệm và sai sót là một cách làm tốn kém mà các doanh nghiệp không nên vận dụng, nhất là khi kinh phí tiếp thị eo hẹp.
7. Chi phí tìm các cơ hội bán hàng
Một trong những cách làm của doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình B2C (từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng) là mua lại danh sách khách hàng của các tổ chức khác. Nhưng nên cẩn thận với cách làm này vì danh sách khách hàng có thể không cập nhật đầy đủ. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình B2B (từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp) thì gần như không phải làm như vậy vì Internet đã là một kênh lý tưởng để tìm kiếm thêm thông tin và các cơ hội bán hàng.
Nhất Nguyên