Sức chịu đựng lãi vay của doanh nghiệp thay đổi ra sao trong ba năm qua?
- 09/01/2019
- Posted by: admin
- Category: Tài chính
Mặt bằng lãi suất phù hợp với hệ thống doanh nghiệp Việt Nam
Đại diện nhóm nghiên cứu, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng ĐH Ngân hàng TP HCM, cho hay nghiên cứu tính toán hệ số khả năng thanh toán lãi vay (ICR) của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam sau khi đã loại các doanh nghiệp lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Kết quả cho thấy giai đoạn 2015 – 2018, tỷ trọng doanh nghiệp có ICR nhỏ hơn 1 cải thiện đáng kể. Điều này cho thấy mặt bằng lãi suất được duy trì thời gian qua là phù hợp với hệ thống doanh nghiệp Việt Nam.
Cụ thể, thị trường tiền tệ Việt Nam từ đầu năm 2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất chào mua trên thị trường mở từ 5% xuống 4,75% nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay.
Nhờ đó, lãi suất cho vay bình quân tăng không đáng kể khoảng 8,91% (năm 2017 là 8,86%); cho vay ngắn hạn bằng VNĐ từ 6 – 9%/năm (ngắn hạn); trung và dài hạn từ 9 – 10%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn USD từ 2,8 – 4,7%/năm; dài hạn từ 4,5 – 6%/năm.
Trong khi đó, lãi suất tiền gửi lại có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là kỳ hạn ngắn vào những tháng cuối năm 2018. Hiện lãi suất tiền gửi bình quân ở 5,25%/năm so với 5,11% vào năm 2017.
(Ảnh minh họa) |
NHNN lập trình tài chính
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra việc điều hành tăng trưởng tín dụng của NHNN năm qua không hề hành chính mà là lập trình tài chính. Ông Trung dẫn chứng, khi so sánh số liệu NHNN đề ra ban đầu về giới hạn tăng trưởng tín dụng dựa trên khu vực kinh tế thực (gồm lạm phát – GDP, tiền tệ), khu vực đối ngoại và khu vực ngân sách. Kết quả cho thấy tăng trưởng tín dụng thực tế (14%) đi rất sát với mục tiêu ban đầu của NHNN.
Bên cạnh đó, tín dụng năm qua đã đáp ứng được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt trong 4 năm vừa qua, nhu cầu tín dụng vừa khít với tổng nguồn vốn từ ngân sách, FDI, FII và nguồn vốn từ ngân hàng thương mại. Qua đó, Việt Nam đảm bảo được tăng trưởng kinh tế cao trên 7% và kiểm soát được lạm phát ở mức 3,54%.
Mặt khác, nghiên cứu cũng đưa ra hệ số tỷ lệ giữa tín dụng/GDP năm 2018 khoảng 134%, là mức tăng trưởng nóng (nếu trên 100%). Tuy nhiên ông Trung cho hay, IMF tính toán dựa vào độ chênh giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP. Ở Việt Nam, GDP danh nghĩa đạt 11% (tương đương GDP thực tăng 7% và lạm phát 4%), tín dụng tăng từ 14% thì độ lệch tăng trưởng Việt Nam ở mức 3%.
Theo nhóm nghiên cứu, đây là mức hợp lý đối với các quốc gia đang phát triển và còn dựa nhiều vào vốn từ ngân hàng thương mại như Việt Nam, Thái Lan hay Malaysia.
Ngoài ra, góp phần kiểm soát lạm phát dưới 4% năm qua còn có các chỉ tiêu M2, huy động vốn và dự nợ tín dụng giảm tốc đọ tăng so với cùng kỳ các năm trước.
M2 tăng ở những tháng đầu năm và giảm dần ở nửa cuối năm 2018, đến 20/12/2018, M2 tăng 11,34% so với cùng kỳ 2017, giảm dần trong ba năm gần đây.
Còn xét về đối tượng huy động vốn, báo cáo chỉ ra tỷ lệ tăng huy động vốn ngoại tệ so với cùng kỳ năm trước chủ yếu đến từ tổ chức kinh tế (3,54%), so với động thái rút tiền gửi ngoại tệ của khu vực dân cư (-0,05%). Điều này phản ánh nhu cầu sử dụng ngoại tệ của tổ chức kinh tế vào cuối năm, và sức hút tiền gửi bằng ngoại tệ của cá nhâ giảm.
Kết luận, nhóm nghiên cứu nhận định trong bối cảnh kinh tế Việt Nam chịu những tác động tiêu cực trong năm qua, với sự quản lý của NHNN, khu vực tiền tệ duy trì ổn định, đảm bảo hỗ trợ hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế 2018 đặt ra.
Theo vietnambiz.vn