“Tái tạo” và “Kế nghiệp” – Hai câu chuyện của thời đại
- 18/03/2019
- Posted by: admin
- Category: Startup
“Tái tạo” cho hôm nay và “Kế nghiệp” cho ngày mai
Sau vài thập niên hình thành và phát triển, theo quy luật tất yếu, để bảo đảm sức sống và sự trường tồn, doanh nghiệp nào cũng phải tìm cách tái tạo và đào luyện cho thế hệ lãnh đạo kế nghiệp. Mặt khác, mọi thứ ở thời đại ngày nay biến động khôn lường, điều làm nên thành công ngày hôm qua chưa chắc sẽ còn đúng ở ngày mai. Trong bối cảnh ấy, tái tạo doanh nghiệp và đào luyện năng lực kế nghiệp càng trở thành vấn đề quan trọng, sống còn và có tính thời đại nhất đối với hầu hết các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần “Tái tạo”, nhưng một doanh nghiệp đã tốt rồi thì liệu có cần “Tái tạo”?
Một tổ chức dù đã tốt đến mấy thì vẫn phải không ngừng tái tạo để có thể đi “từ tốt đến tầm vóc”. Ngay cả những tổ chức được mệnh danh là số 1 cũng không nằm ngoài quy luật này, bởi để luôn giữ được vị thế dẫn đầu thì phải thấu hiểu rằng “tốt là kẻ thù của vĩ đại”. Doanh nghiệp sẽ không thể thoát khỏi “bẫy trung bình” nếu thiếu tầm nhìn và năng lực để tự dẫn dắt hành trình tái sinh chính mình.
Phượng hoàng là loài chim không bao giờ biến mất, mà tái sinh liên tục từ ngọn lửa bỏng cháy. Đó chính là hình ảnh ẩn dụ của sự đổi mới để trường tồn mà bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng mong muốn về doanh nghiệp của mình. Làm sao để rèn giũa đội ngũ nhân viên luôn có tinh thần làm mới bản thân – một năng lực tự tái tạo mãnh liệt như loài phượng hoàng? Đâu là “ngọn lửa”, là “sức nóng”, là “hệ điều hành”, là những công cụ và phương pháp phù hợp mà nhà lãnh đạo cần “cài đặt” vào tổ chức của mình để thúc đẩy và dẫn dắt quá trình tái tạo ấy đến thành công, cũng như để đưa tổ chức của mình từ “tốt” đến “tầm vóc”?
Doanh nghiệp cần “Kế nghiệp”, nhưng “Kế nghiệp” thì khác với “Kế thừa” và “Kế nhiệm”?
Trên thực tế, đời sống của một doanh nghiệp có thể dài hơn cuộc đời của một doanh nhân. Bất kỳ doanh nhân tâm huyết nào cũng hết sức trăn trở với vấn đề lựa chọn thế hệ kế tiếp và cách thức đào luyện năng lực cho thế hệ đó để họ không chỉ “kế thừa di sản” hay “kế nhiệm vị trí”, mà còn “kế tục cơ nghiệp” và có đủ khả năng dẫn dắt doanh nghiệp vươn xa hơn.
Vấn đề lựa chọn và phát triển đội ngũ lãnh đạo kế thừa là một trong những bài toán nan giải với hầu hết các doanh nghiệp Việt. Sau một thời kỳ phát triển, nay đã có khá nhiều doanh nghiệp Việt bắt đầu phải nghĩ nghiêm túc đến việc chuyển giao thế hệ, nhất là những doanh nghiệp chưa tìm thấy lời giải khả thi cho đòi hỏi “tiếp nối để trường tồn”.
Thiện Tâm