Tăng trưởng thấp, nỗ lực phải lớn hơn
- 06/07/2023
- Posted by: admin
- Category: Tổng hợp
Chúng ta có thể tạm yên tâm về lạm phát, nhưng việc GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,72% và rất nhiều khó khăn, thách thức phía trước, yêu cầu phải có những nỗ lực vượt bậc cộng với sự “may mắn” từ bên ngoài để đạt được các mục tiêu đề ra cho năm 2023.
Sản xuất công nghiệp kéo giảm đà tăng trưởng
Con số tăng trưởng GDP không như kỳ vọng của 6 tháng đầu năm không chỉ đến từ mức tăng trưởng rất thấp ở quý I (GDP tăng 3,32%) mà còn ở sự cải thiện nhưng không có sự bứt phá mạnh trong quý II. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng GDP quý II đạt 4,14%. Trong khi các khu vực nông nghiệp và dịch vụ tiếp tục tăng trưởng ổn định và phục hồi thì khu vực sản xuất công nghiệp còn rất nhiều khó khăn.
Chia sẻ với Thời báo Ngân hàng, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh – Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, ngành công nghiệp luôn giữ vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2023 sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, chưa phục hồi tốt.
Thực tế, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước – là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023. Đặc biệt, công nghiệp chế biến chế tạo chỉ đạt tốc độ khiêm tốn với giá trị tăng thêm 6 tháng ước tăng 0,37%. Một số ngành trọng điểm đều ghi nhận mức giảm liên tục trong mấy tháng gần đây. Trong đó, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 7,8%; sản xuất giấy, sản phẩm từ giấy giảm 7,5%; sản xuất trang phục và sản xuất xe có động cơ cùng giảm 6,8%; sản xuất máy móc thiết bị khác giảm 4,7%; sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính cùng giảm 4,6%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 3,3%; sản xuất da, sản phẩm từ da giảm 2,4%; dệt giảm 2,1%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 1,9%… Nguyên nhân chính là do thiếu hụt đơn hàng, đặc biệt là đơn hàng xuất khẩu đối với các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo để gia công, sản xuất tại Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, mặc dù mức tăng trưởng 3,72% trong 6 tháng đầu năm là mức không cao, không đạt như kỳ vọng nhưng các cân đối lớn được đảm bảo, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp trong bối cảnh đối diện với nhiều khó khăn thách thức ở cả trong và ngoài nước. “Cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa được thúc đẩy. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì mức tăng trưởng ổn định, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt, cán cân thương mại hàng hóa duy trì thặng dư, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện… Đây là những kết quả đạt được rất đáng khích lệ”, bà Nguyễn Thị Hương nói.
Dịch vụ sẽ là “trụ đỡ” cho tăng trưởng
Bên cạnh sự ổn định của khu vực nông nghiệp, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho biết, khu vực dịch vụ đang nổi lên là một trụ đỡ và đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế hiện nay. Nhờ mức tăng trưởng tới 6,33%, đóng góp vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 6 tháng qua của khu vực dịch vụ lên tới 78,85%. Trong khu vực dịch vụ, một số ngành duy trì được đà tăng trưởng tích cực, qua đó có tỷ trọng đóng góp lớn vào tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế như: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,49% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,88%; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,18%, đóng góp 0,45%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,13%, đóng góp 0,4%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 15,14%, đóng góp 0,37%.
Điểm nhấn trong ngành dịch vụ là sự phục hồi tích cực của du lịch, đặc biệt là sự phục hồi mạnh của khách quốc tế. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 5,6 triệu lượt người, gấp 9,3 lần cùng kỳ năm trước (nhưng mới chỉ bằng 65,7% so với cùng kỳ năm 2019). Theo bà Nguyễn Thị Hương, đây là một chỉ dấu rất tích cực. “Lượng khách quốc tế tăng 9,3 lần và khi vào Việt Nam, khách nước ngoài sẽ thúc đẩy tiêu dùng và xuất khẩu tại chỗ các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong nước. Quan trọng hơn, điều này cho thấy chúng ta vẫn duy trì được kết nối với thế giới nên mặc dù xuất nhập khẩu hàng hóa sụt giảm nhưng hoạt động xuất khẩu dịch vụ gia tăng, góp phần giúp chúng ta trụ vững trong bối cảnh khó khăn hiện nay”, bà Hương nói.
Bên cạnh đó, số liệu cũng cho thấy hoạt động ngân hàng ổn định. Tính đến thời điểm 20/6/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,53% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm trước tăng 3,30%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,26% (cùng kỳ năm trước tăng 3,97%); tăng trưởng tín dụng đạt 3,13% (cùng kỳ năm trước tăng 8,51%). Lãnh đạo Tổng cục Thống kê nhấn mạnh: “Tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng giảm mạnh, doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng, ngoài ra một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý”. Theo Tổng cục Thống kê, sau 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành của NHNN, đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay có xu hướng giảm dần. Cụ thể, lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân đồng Việt Nam ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022). Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nền kinh tế đã đi được nửa chặng đường của năm 2023, dù tăng trưởng không được như kỳ vọng và mục tiêu đạt 6,5% là không dễ nhưng Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê tin tưởng, với sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra; cùng với đó là kỳ vọng các thị trường bên ngoài sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm, kinh tế Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng cao nhất có thể trong năm nay.
Theo kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dự báo quý III/2023 khả quan hơn quý II với 72,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý III sẽ tốt hơn và giữ ổn định. Điều này cho thấy niềm tin của doanh nghiệp đối với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo động lực để thúc đẩy sản xuất trong các tháng cuối năm. Cùng với đó, việc giảm 2% thuế VAT và tăng lương cơ sở từ tháng 7 tới cũng sẽ là nhân tố để kích thích nhu cầu tiêu dùng, sản xuất… Tất nhiên, điều này không chỉ phụ thuộc vào diễn biến tình hình trong nước thời gian tới, mà còn ít nhiều là sự “may mắn” đến từ triển vọng các thị trường bên ngoài tích cực hơn.
Đỗ Lê – Thoibaonganhang.vn