Nhiều doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh 2019 sụt giảm, cho thấy thời kỳ lợi nhuận đỉnh cao dường như đã qua. Điều này dĩ nhiên sẽ tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán nói chung và giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này nói riêng.
Định hướng là bảo vệ sản xuất trong nước đủ lớn để cạnh tranh với hàng nhập khẩu, vì thế phải có sự thúc đẩy sản xuất trong nước. Thái Lan hay Indonesia đều có chính sách vậy và họ dùng các công cụ thuế để hỗ trợ và thúc đẩy tiêu thụ trong nước
Thận trọng với kế hoạch lợi nhuận
Sau khi liên tiếp vượt kế hoạch lợi nhuận trong suốt 4 năm, với mức lợi nhuận gần đây nhất (năm 2018) đạt hơn 8.600 tỷ đồng, mới đây Tập đoàn Hòa Phát đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2019 giảm 22%, xuống còn 6.700 tỷ đồng. Đáng lưu ý là mặc dù kế hoạch doanh thu dự kiến tiếp tục tăng 24%, lên 70.000 tỷ đồng, nhưng việc đưa ra kế hoạch giảm lợi nhuận cho thấy sự thận trọng của ban lãnh đạo tập đoàn sản xuất thép số 1 này.
Một “ông lớn” khác là Công ty CP Cơ điện lạnh năm 2018 vượt 30% chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận, nhưng năm 2019 đặt kế hoạch lợi nhuận giảm 18%, xuống còn 1.465 tỷ đồng, dù doanh thu đặt ra tăng 10%, lên 5.577 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu và lợi nhuận từ mảng điện nước dự kiến đều giảm được cho là yếu tố chính khiến doanh nghiệp đặt kế hoạch “đi lùi”.
Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau mới đây cũng đặt kế hoạch lợi nhuận giảm đến 63%, xuống còn xấp xỉ 240 tỷ đồng, trong khi doanh thu vẫn dự kiến tăng 10%. Nguyên nhân được đưa ra do 2019 là năm đầu tiên Công ty áp dụng giá khí mới khi nhà máy vẫn còn trong giai đoạn khấu hao với chi phí khá lớn, bên cạnh các yếu tố rủi ro chiến tranh thương mại, nguồn cấp khí suy giảm và biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng lên sản lượng tiêu thụ.
Có thể kể đến Tổng công ty CP Khí Việt Nam đặt kế hoạch lợi nhuận giảm 32%, Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công dù được dự báo sẽ hưởng lợi nhiều từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP nhưng vẫn đặt kế hoạch lãi giảm 7%, xuống 242 tỷ đồng. Công ty CP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang đặt kế hoạch doanh thu tăng hơn 12% nhưng lợi nhuận sau thuế 2019 dự kiến giảm 20%, xuống 700 tỷ đồng. Công ty CP Phân bón và Hóa chất dầu khí Miền Trung đặt kế hoạch doanh thu tăng 9% nhưng lợi nhuận giảm 24%.
Thậm chí nhiều doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đều giảm, như Tổng công ty CP Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí dự kiến doanh thu giảm 20% và lợi nhuận giảm 98%, Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng đặt doanh thu giảm 4% và lợi nhuận giảm 13%.
Nhiều yếu tố tác động
Có nhiều lý do buộc nhiều doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận sụt giảm. Thứ nhất, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất có dấu hiệu đi lên từ cuối năm ngoái, thì các doanh nghiệp đang đối mặt với áp lực chi phí tài chính gia tăng sẽ ảnh hưởng đáng kể lên lợi nhuận, đặc biệt là những doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào tiền vay ngân hàng. Trong khi đó, việc tăng vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu hoặc phát hành trái phiếu không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện thành công, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán ngày càng gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, chính sách tiền tệ định hướng thắt chặt trở lại với tăng trưởng tín dụng bị kiểm soát chặt chẽ, buộc nhiều ngân hàng phải hạn chế vốn đầu ra, chọn lọc khách hàng khắt khe hơn. Theo đó, một bộ phận doanh nghiệp có thể khó tiếp cận nguồn tín dụng của ngân hàng, do đó khó có thể tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Đối với nhóm doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đưa đến nhiều rủi ro tiềm ẩn, chính sách bảo hộ gia tăng tại nhiều quốc gia ảnh hưởng lên giao thương, thì việc kinh doanh của nhóm này tất yếu bị những tác động tiêu cực. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước chủ động phá giá đồng tiền để tìm kiếm lợi thế trong xuất khẩu, thì sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu trong nước bị cạnh tranh quyết liệt khi tiền đồng vô hình trung tăng giá so với đồng tiền của những quốc gia nhập khẩu. Trong khi đó, với giá hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu thế giới có xu hướng tăng trở lại thì các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn hàng này có thể phải tăng chi phí sản xuất, trong khi giá bán sản phẩm không thể tăng kịp, nên buộc phải chấp nhận biên lợi nhuận gộp sụt giảm.
Với những dấu hiệu nền kinh tế toàn cầu đang tăng chậm lại, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa có nguy cơ giảm sút không chỉ tác động lên doanh nghiệp xuất khẩu, mà dĩ nhiên sẽ có những ảnh hưởng lên tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, theo đó cũng tác động lên sức cầu nội địa và sản xuất, bán hàng. Với lo ngại trên, các doanh nghiệp càng giảm động lực mở rộng đầu tư và sản xuất, kinh doanh.
Ở phương diện khác, nhiều tập đoàn khổng lồ đã đến giới hạn tăng trưởng trong lĩnh vực cốt lõi, do đó buộc phải tìm kiếm cơ hội đầu tư vào những lĩnh vực mới. Như Công ty CP Đầu tư Thế giới di động sau một thời kỳ phát triển mạnh ở máng bán lẻ điện thoại và thiết bị điện tử, thì thời gian qua phải nhảy vào những lĩnh vực bán lẻ thực phẩm hay y dược. Hay như Vingroup liên tiếp phát triển các lĩnh vực kinh doanh mới, từ sản xuất ô tô đến điện thoại di động.
Dĩ nhiên ngoài rủi ro do tham gia vào những ngành nghề mới, các doanh nghiệp cần phải có thời gian để đánh giá được hiệu quả kinh doanh. Do đó, lợi nhuận trong ngắn hạn sẽ bị ảnh hưởng do chi phí đầu tư gia tăng ở các dự án mới và có thể phải chấp nhận lỗ trong giai đoạn đầu.
Khánh Phương