Thuế giảm mạnh nhờ CPTPP nhưng vì sao doanh nghiệp Việt chưa vội mừng?
- 13/02/2019
- Posted by: admin
- Category: Thuế
Hàng hóa Việt Nam xuất sang các nước đã phê chuẩn CPTPP sẽ nhận được ưu đãi đáng kể về thuế quan, tuy nhiên đi cùng với việc giảm thuế là tăng thêm nhiều điều kiện nghiêm ngặt.
Một trong những quy định ngay khi CPTPP có hiệu lực là đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đặc biệt, hàng Việt Nam xuất sang các nước đã phê chuẩn CPTPP và hàng của các nước này vào Việt Nam sẽ hưởng mức thuế mới.
Ước tính, trung bình mức thuế được cắt giảm khoảng hơn 60% cho lần đầu tiên; sau 3 năm sẽ lên đến trên 80%. Thêm vào đó, từ ngày 14/1/2019, mỗi cá nhân hoặc doanh nghiệp Việt Nam có thể nhập hàng hóa có giá trị dưới 1.000 USD từ các nước CPTPP và có thể yêu cầu được miễn thuế hoàn toàn theo mức thuế ưu đãi của Hiệp định.
Mặc dù các ưu đãi nghe hấp dẫn như thế, những ngành hàng xuất khẩu được cho là có lợi hàng đầu nhờ CPTPP gồm: dệt may, da giày, thủy sản… cũng chưa tỏ ra vui mừng. Theo nhiều người trong các ngành này, điều kiện để ưu đãi thuế đi kèm nhiều đòi hỏi ngặt nghèo.
Ông Phạm Bình An – Giám đốc Trung tâm Hội nhập kinh tế quốc tế TP.HCM cho biết để được hưởng ưu đãi thuế quan, doanh nghiệp cần đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ.
Tất cả các điều này sẽ thể hiện ở tờ khai C/O. “CPTPP có quy định khá chặt về quy tắc xuất xứ hàng hóa, với yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi, bởi vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu được giảm thuế tới đâu theo cam kết trong CPTPP lại nằm ở việc khai C/O”, ông Phạm Bình An cho biết.
Doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu (khoảng 60%), chủ yếu từ những nước không tham gia CPTPP. Trong đó, riêng nhập khẩu vải từ Trung Quốc chiếm 50%, vì vậy, sẽ không dễ dàng để có ngay ưu đãi trong CPTPP.
Tuy nhiên, giảm thuế không phải là cái lợi duy nhất của CPTTP. Chủ tịch TBS Group – ông Nguyễn Đức Thuấn cho rằng đối với ngành da giày, chủ yếu gia công xuất khẩu nên không có nhiều ý nghĩa trong việc giảm thuế, nhưng đổi lại sẽ có cơ hội mở rộng thị trường sang những nước mà da giày Việt chưa tiếp cận được nhiều như Canada, Mexico, Úc… Đặc biệt, sẽ rất hiệu quả cho những doanh nghiệp nào sở hữu chuỗi sản xuất khép kín, khi vừa gia tăng được xuất khẩu vừa có đủ điều kiện được giảm thuế.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới và Bộ Công thương mới đây thì có trên 86% doanh nghiệp biết đến CPTPP. Tuy nhiên, nhìn chung, doanh nghiệp dường như chưa thực sự sẵn sàng cho hội nhập quốc tế, chưa hiểu cam kết CPTPP sẽ tác động thế nào tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, thậm chí, không ít doanh nghiệp cảm thấy ngợp và chùn bước trước sân chơi mới rộng mở hơn, nghiêm ngặt hơn.
Thực tế, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA của doanh nghiệp Việt Nam mới đạt trung bình 30 – 35%. Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó đáng kể là doanh nghiệp không biết về những cơ hội thuế quan này, không hiểu về điều kiện quy tắc xuất xứ để hàng hóa được hưởng thuế ưu đãi và không biết làm thế nào để tuân thủ các thủ tục phức tạp.
XUÂN THU