Thuế suất tối thiểu toàn cầu: Doanh nghiệp đề xuất hình thức hỗ trợ mới
- 20/04/2023
- Posted by: admin
- Categories: Tài chính, Thuế
Khi thuế suất tối thiểu toàn cầu được áp dụng, Việt Nam cần có phản ứng chính sách kịp thời để một mặt giữ được quyền đánh thuế, mặt khác duy trì sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư quốc tế.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 1.015 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có công ty mẹ đủ điều kiện chịu áp thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó có hơn 70 doanh nghiệp sẽ phải chịu ảnh hưởng ngay từ năm 2024. Nếu tất cả quốc gia có công ty mẹ của các doanh nghiệp nói trên triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, ước tính mức thuế bị thu thêm sẽ lên đến hơn 12 nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, điều này đặt ra thách thức lớn đối với Việt Nam để duy trì tính cạnh tranh trong thu hút FDI, bởi ưu đãi thuế là một trong những biện pháp quan trọng được Việt Nam sử dụng để hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết thêm, chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam được đánh giá là tương đối hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Cộng với những thế mạnh như chính trị ổn định, lao động dồi dào… Việt Nam đang trở thành “ngôi sao sáng” về thu hút FDI, xếp thứ 20 trong số các nước thu hút FDI hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, nếu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, chính sách ưu đãi thuế không còn hấp dẫn nữa, do đó Việt Nam sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn để duy trì sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư quốc tế.
Cần chính sách hài hòa
Ông Robert King, Phó tổng giám đốc công ty tư vấn Ernst&Young (EY) Việt Nam, nhận định, công cụ ưu đãi thuế không phát huy hiệu quả khi chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu được áp dụng, do đó Việt Nam cần tìm ra biện pháp duy trì tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư.
Lãnh đạo EY Việt Nam nhấn mạnh, phản ứng chính sách của Việt Nam cần đảm bảo 2 mục tiêu, bao gồm đảm bảo được lợi ích, hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, đảm bảo sức hút của nền kinh tế đối với nhà đầu tư, đồng thời chủ động giành được quyền đánh thuế.
Đồng quan điểm, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc tư vấn thuế của công ty tư vấn Deloitte Việt Nam, nhận định, lợi thế của Việt Nam không chỉ bị ảnh hưởng bởi không còn ưu đãi thuế mà còn đến từ sự cạnh tranh gay gắt trong thu hút FDI khi các quốc gia đối thủ có biện pháp thay đổi chính sách thuế, chính sách đầu tư minh bạch, công bằng và đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp hơn so với Việt Nam.
Từ đó, ông Tuấn đề nghị cân nhắc chính sách mới để ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư sao cho phù hợp với bối cảnh thực thu thuế tối thiểu toàn cầu.
Từ phía doanh nghiệp chịu tác động từ chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, cho biết, chính sách này sẽ làm tăng gánh nặng tài chính cho tập đoàn, ảnh hưởng đến hoạch định tài chính, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
Để hạn chế tác động tiêu cực tới Samsung Việt Nam cũng như nhiều doanh nghiệp FDI lớn khác, ông Choi Joo Ho đề xuất, Việt Nam có thể thay đổi chính sách từ ưu đãi thuế thu nhập sang hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp, ví dụ như cung cấp khoản hỗ trợ bằng tiền, cũng là giải pháp đang được nhiều quốc gia nghiên cứu áp dụng.
Ông Tomoki Miyazaki, Giám đốc tài chính Canon Việt Nam, cũng nhấn mạnh nguy cơ giảm năng lực cạnh tranh, từ đó ảnh hưởng đến việc phân phối sản xuất của tập đoàn trong bối cảnh áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu.
Theo ông Miyazkia, Việt Nam cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư mới để bù đắp cho sự sụt giảm năng lực cạnh tranh. Phương án hỗ trợ có thể được điều chỉnh đa dạng, linh hoạt, phù hợp với điều kiện, nhu cầu của từng doanh nghiệp.
Đối với việc giành quyền đánh thuế, đại diện các doanh nghiệp đều nhận định, Việt Nam nên áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT), hiện đã được OECD hướng dẫn chi tiết. Đây cũng là phương án giúp kiện toàn chính sách thuế của Việt Nam theo hướng công bằng, minh bạch, tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế.
Phạm Sơn – TheLEADER