5 bí quyết nói trước công chúng để phát triển doanh nghiệp
- 22/08/2017
- Posted by: admin
- Category: Tổng hợp
Trong một bài viết trên Entrepreneur, Ari Rabban – CEO Công ty cung cấp dịch vụ điện thoại ảo Phone.com cho rằng, nói trước công chúng có thể rất đáng sợ, nhưng đối với doanh nhân, nỗi sợ đó không đáng gì so với những lợi ích có được khi chiếm lĩnh thành công niềm tin của nhiều người.
Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard, mọi người tin tưởng những diễn giả giỏi hơn là những người chân thật nhất. Điều này không có nghĩa là bạn nên bắt đầu tập… nói dối, mà là nên mài giũa các kỹ năng nói chuyện để nâng cao nhận thức về thương hiệu của công ty mình, theo Ari Rabban.
“Với một doanh nghiệp nhỏ, thành công chỉ đơn giản là xây dựng lòng tin hiệu quả với khách hàng. Nếu chịu khó rèn luyện, bạn sẽ nhận ra rằng việc nói trước công chúng có thể giúp bạn gặp gỡ những mối quan hệ mới, cải thiện chất lượng các bài thuyết trình và khiến thương hiệu của bạn trở nên nổi bật hơn”, Rabban nói và cho rằng 5 gợi ý dưới đây sẽ giúp đạt được những lợi ích này:
1. Tìm hiểu sâu về chủ đề, về người nghe
Đừng chỉ tìm hiểu về khán giả của mình trong đúng ngày diễn ra buổi nói chuyện, mà hãy làm điều này từ trước đó. Sẽ có bao nhiêu người tham dự? Đặc điểm nhân khẩu học của họ là gì? Hãy diễn đạt một cách đơn giản nếu khán giả là một nhóm người không phải chuyên gia, hoặc dùng nhiều từ chuyên môn nếu đa phần khán giả là kỹ sư chẳng hạn.
Cũng cần phải hiểu rằng những kiến thức cơ bản về chủ đề thường là không đủ. Bạn cần đào sâu vấn đề và khám phá lý do tại sao mọi người lại quan tâm đến chủ đề đó vào đúng thời điểm đó, họ nắm giữ vai trò thế nào trong ngành mà bạn đang hoạt động, và bạn mong chờ nhận được những loại câu hỏi nào.
COO Facebook Sheryl Sandberg cho biết, trong lần chuẩn bị cho một buổi nói chuyện tại diễn đàn TED, bà đã hủy bỏ toàn bộ bài thuyết trình đã được chuẩn bị kỹ, với “đầy đủ những sự kiện và số liệu, nhưng không có bất kỳ yếu tố cá nhân nào”. Bà thay đổi chiến thuật vào phút cuối, bằng cách giới thiệu những câu chuyện mang đậm màu sắc cá nhân. Và kết quả là, bài diễn thuyết về chủ đề “Why we have too few women leaders” (Tại sao chúng ta có quá ít nữ lãnh đạo) đã trở thành một “hiện tượng” giúp truyền cảm hứng cho phụ nữ trên khắp thế giới.
2. “Đồng hóa” bản thân với môi trường
Hội trường có sẵn màn hình trình chiếu và máy chiếu? Ánh sáng như thế nào? Chỗ ngồi được bố trí ra sao? Quy tắc trang phục (dress code) là gì?… Biết càng nhiều về không gian diễn thuyết, bạn càng hạn chế được những trục trặc tại “giờ G”. Và ngoại hình càng ra dáng chỉ huy, điệu bộ càng quyết đoán, bạn càng có sự kết nối mạnh mẽ hơn với những người tham gia.
Về quy tắc trang phục, dù là mang phong cách nào, hãy chắc chắn rằng bạn phải mặc một bộ cánh thật thoải mái. Vì một chiếc cổ áo sơ mi quá chật cũng có thể gây ra thách thức lớn cho hệ thần kinh.
3. Học hỏi từ những người đi trước
Hãy thực hành bài nói trước gương. Khi đã sẵn sàng, hãy thử trước đồng nghiệp và bạn bè. Hãy cởi mở với những góp ý hữu ích, và đừng quan tâm những bình phẩm mang màu sắc cá nhân. Hãy nắm lấy cơ hội nói chuyện trước một nhóm nhỏ để thích nghi với vai trò diễn giả trước khi thực hiện cuộc nói chuyện trước những nhóm khách hàng lớn hơn mà bạn muốn “chiếm hữu”.
Nếu cảm thấy kỹ năng thuyết trình của mình chưa thật vững vàng, hãy tìm video về những bài thuyết trình trước đây tại cùng sự kiện của những diễn giả thành công. Tác giả Brooke Warner từng mô tả về kinh nghiệm này khi chuẩn bị cho một bài diễn thuyết tại diễn đàn TED trong khoảng thời gian đến 6 tháng: “Có rất nhiều video, các loại sách để tham khảo và các nguồn trực tuyến khác để học hỏi từ những người đi trước. Tôi đã xem gần 50 video, đọc 2 quyển sách và rất nhiều bài viết về chủ đề này”.
Có thể không trình bày xuất sắc như những “tiền nhân”, nhưng bạn sẽ rút ra được vài mẹo hay khi xem họ trình bày ý tưởng trong cùng một môi trường với mình.
4. Bắt đầu và kết thúc mạnh mẽ, không xin lỗi
Hãy dành thêm thời gian đầu tư cho phần khởi đầu và kết thúc bài nói chuyện. Một sự khởi đầu mạnh mẽ sẽ giúp bạn nhanh chóng có được sự nhịp nhàng, còn một kết thúc đầy năng lượng sẽ giúp tăng tính hiệu quả của cả phần trình bày.
Hãy thực hiện mọi thứ theo cách tự nhiên nhất. Không phải mọi bài diễn thuyết tuyệt vời đều cần phải có một câu chuyện vui nhộn hoặc đáng buồn để được mọi người nhớ đến.
Khi cảm thấy không chắc chắn về điều gì đó, một cách bản năng, bạn sẽ xin lỗi mọi người. Nhưng, đừng xin lỗi! Khi bạn đứng trên sân khấu, mọi người sẽ mặc nhiên khẳng định rằng bạn là một chuyên gia và đối xử với bạn như một chuyên gia, trừ khi bạn biểu hiện như thể yêu cầu họ đừng nghĩ như vậy.
5. Thu hoạch những phần thưởng
Dù một nửa khán giả rời khỏi khán phòng, một người yêu thích phần trình bày cũng có thể mang đến một bản hợp đồng giá trị sau này. Hãy đánh giá cao việc bạn đã là một lựa chọn của ban tổ chức, và làm tất cả những gì có thể để kể câu chuyện, kinh nghiệm của mình.
Bạn cũng không buộc phải chờ đợi mọi người kết nối với mình. Hãy thể hiện thiện ý sẵn sàng trò chuyện, kết nối với tư cách cá nhân cùng họ sau sự kiện, thông qua các kênh như email hoặc mạng xã hội. Một số người có thể mất nhiều thời gian để suy nghĩ về thông điệp của bạn, hãy giúp họ có thể dễ dàng tìm thấy bạn sau khi đã sẵn sàng trao đổi.
BÍCH TRÂM
CFO Việt Nam hân hoan chào đón sự tham gia hợp tác nhiệt tình và đông đảo của Quý Doanh nghiệp, Quý Anh/Chị nhằm tăng thêm chất lượng và quy mô hoạt động, đồng thời mang đến lợi ích thiết thực cho cộng đồng Quản trị Tài chính Việt Nam.
Rất nhiều Hoạt động Bổ ích đang chờ đón Quý Anh/Chị.