Thuế tài sản: Tăng nguồn thu hay điều tiết đầu cơ bất động sản?
- 29/01/2019
- Posted by: admin
- Category: Thuế
PGS.TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nói rằng: “Không chỉ là việc đưa ra một sắc thuế mới, Việt Nam có nhiều sắc thuế liên quan đến tài sản, song thu không hiệu quả đang đặt ra nhiều vấn đề”.
* Dư luận đang quan ngại thuế tài sản nhiều khả năng sẽ được áp dụng trong năm 2019. Theo ông, vấn đề đặt ra đối với sắc thuế này là gì?
– Quan điểm của thuế tài sản chưa rõ ràng, dự thảo đụng chạm đến diện rộng đối tượng chịu thuế. Hơn nữa, mục đích đánh thuế này để làm gì, để có thêm nguồn thu hay đơn giản là quy định người có tài sản phải nộp thuế?
Một điều tôi nhấn mạnh rằng việc thu thuế từ tài sản, đặc biệt là bất động sản, là không đơn giản, bởi nó liên quan trực tiếp đến nguồn thu của các địa phương.
– Lợi ích cho người nộp thuế, vấn đề tồn tại ở hầu hết các luật thuế của nước ta. Về nguyên tắc, nguồn thu từ thuế được chi chung cho công việc của đất nước, nhưng hiện nay chi đang tăng nhanh song chủ yếu để dành chi thường xuyên cho bộ máy chính quyền các cấp.
* Nhưng nguồn thu từ thuế sẽ mang lại lợi ích gì cho người nộp thuế?
Chỉ khi nước ta tiết kiệm được nguồn chi, mới có thể làm cho tài chính công bớt phức tạp, giảm gánh nặng về thuế cho người dân. Việc tìm thêm nguồn thu mới, khi chưa cải thiện được việc sử dụng các nguồn thu đã có sẵn, trong khi sự minh bạch và khả năng giải trình hạn chế, đặt ra những dấu hỏi rất lớn về việc chi tiêu quốc gia không hiệu quả.
* Giả định thuế tài sản được áp dụng, việc tồn tại hai loại giá: thị trường và Nhà nước quy định, sẽ ảnh hưởng thế nào đến thu thuế?
– Về nguyên tắc, thu thuế bất động sản phải tính trên giá thị trường, bởi vị trí bất động sản sẽ mang lại nguồn lợi khác nhau, mức thuế phải nộp cũng khác nhau. Nhưng dự thảo chưa làm được điều này, thậm chí đưa ra những quy định “cứng nhắc” dựa trên cách tính chi phí xây dựng, dẫn đến sự bất bình đẳng.
Trong khi đó, việc áp đặt giá trị tài sản phụ thuộc rất nhiều vào người đi thu thuế, hoặc người có trách nhiệm, nguyên nhân dẫn đến nhũng nhiễu, thậm chí móc ngoặc giữa các bên liên quan để tham nhũng, dẫn đến giảm sút hiệu quả thu thuế.
* Với thực tế như ông nói, cách thức nào sẽ phù hợp nếu Nhà nước đánh thuế tài sản?
– Nhà nước cần xem xét lại mục tiêu: tăng nguồn thu hay điều tiết đầu cơ trong bất động sản.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy thuế thu từ bất động sản là nguồn thu chính cho địa phương. Chính vì thế, địa phương có động lực để thu hơn, thu sát hơn và định giá tài sản cũng chính xác hơn. Chưa hết, bằng cách sử dụng minh bạch nguồn thu từ thuế, họ có thể tái đầu tư cho địa phương, tăng cường bảo vệ cho chính các bất động sản đó.
Áp dụng sắc thuế này, đầu tiên Nhà nước cần xác định, tiếp tục tập trung nguồn thu về Trung ương, hay để lại cho địa phương. Sự xác định này của Nhà nước sẽ tác động rất lớn đến mức thuế và hiệu quả thu khoản thuế này ở các địa phương.
Tôi cho rằng, nếu tiếp tục tập trung nguồn thu thuế tài sản vào Trung ương, động lực thu sẽ không cao. Thậm chí, nó có thể là nguyên nhân dẫn đến xác định giá trị tài sản không chính xác, nảy sinh ra các vấn đề giữa người thu thuế và người nộp thuế.
Một điểm nữa, đến nay chưa có những phương án khả thi về tính toán giá trị tài sản theo giá thị trường. Việc Bộ Tài chính đưa mức khởi điểm là 700 triệu đồng trong dự thảo, theo tính toán của VEPR, số người nộp thuế sẽ rất lớn, chưa kể đến việc cần một lực lượng lớn người thu thuế sẽ khiến chất lượng nguồn thu bị giảm đi. Sắc thuế này, nên tập trung vào những bất động sản có giá trị lớn và có thể đo đếm một cách rõ ràng.
* Cảm ơn ông.