Tìm cách tăng tốc doanh nghiệp trong tăng trưởng xanh

Theo chuyên gia, điều mà chính phủ và các bộ ngành, địa phương, cần làm là tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể triển khai thực hiện các hoạt động sản xuất đầu tư xanh, chứ không còn phải khuyến khích các doanh nghiệp nhiều nữa.

Vai trò quan trọng của FDI

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, nhận định mục tiêu về tăng trưởng xanh đòi hỏi phải huy động toàn bộ sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cũng như cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI.

Theo ông, doanh nghiệp FDI đóng vai trò rất quan trọng trong sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế, thực hiện phát triển bền vững bao trùm, trong đó có tăng trưởng xanh.

Các doanh nghiệp này giúp tạo ra sự thay đổi về nhận thức, tạo ra nguồn lực, kinh nghiệm để quản trị, công nghệ trang thiết bị hiện đại thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh trong sản xuất, đồng thời, hợp tác đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước.

Nhận định này được ông Tuấn đưa ra tại tọa đàm “Doanh nghiệp FDI trong tăng trưởng xanh của Việt Nam” tổ chức bởi Cổng thông tin điện tử Chính phủ mới đây.

a
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư. Ảnh: VGP/Quang Thương.

Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho biết theo tính toán, khu vực doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển xanh như năng lượng tái tạo, hay đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho kinh tế xanh.

Con số này chiếm khoảng 2% GDP, và bình quân tăng trưởng trong suốt hai năm vừa qua đạt mức khá cao, khoảng 10 – 13%. Đây là một trong những tín hiệu rất tốt.

Cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI, đã giúp tạo nên sự thay đổi hành vi trong việc sản xuất, tiêu dùng, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu về tăng trưởng xanh.

Khó khăn trong mục tiêu tăng trưởng xanh

Ông Tuấn nhận định tăng trưởng xanh là mục tiêu khó, và trên thực tế, số lượng doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam chưa nhiều. Khó khăn với doanh nghiệp FDI xuất phát từ nhiều khía cạnh, và đây cũng là những khó khăn với cả các doanh nghiệp nội địa.

Những vấn đề này trước hết có phần liên quan tới trách nhiệm của chính phủ trong việc tạo cơ chế chính sách, tạo môi trường khuyến khích, phát triển, nuôi dưỡng đầu tư sản xuất, kinh doanh phục vụ cho mục tiêu phát triển xanh.

Hiện Việt Nam đã có chiến lược tăng trưởng xanh, có kế hoạch hành động, đồng thời, lồng ghép vào các quy hoạch chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

“Nhưng điều đó là chưa đủ”, lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh.

Theo đó, Chính phủ sẽ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, rà soát, đảm bảo rằng khung khổ pháp lý thực sự thuận lợi, có tính khuyến khích. Việt Nam sẽ cần tìm ra cơ chế chính sách ưu đãi thực sự thiết thực, đúng, và trúng để hỗ trợ doanh nghiệp, trong việc thay đổi nhận thức, và thực hiện một cách có hiệu quả trong việc sản xuất kinh doanh theo hướng xanh.

Đối với doanh nghiệp, cả doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, cái quan trọng đầu tiên là thay đổi nhận thức, tiếp sau đó là vấn đề về nguồn nhân lực.

“Nguồn nhân lực bao giờ cũng đóng vai trò là trung tâm, chủ thể, động lực của sự phát triển, không chỉ của các quốc gia, mà kể cả các doanh nghiệp. Chúng ta cần phải đào tạo ra nguồn nhân lực thực sự chất lượng cao, đặc biệt, có tư duy nhận thức trong việc thực hiện sản xuất kinh doanh theo hướng xanh”, ông Tuấn khuyến nghị.

Ngoài những thách thức trên, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng lý do những tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn công nghệ cao vào Việt Nam chưa nhiều, là sự hợp tác lỏng lẻo, thiếu hiệu quả giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, khiến Việt Nam bất lợi trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng.

Điều này còn dẫn tới hệ quả Việt Nam không học được các công nghệ cao, công nghệ nguồn từ các quốc gia phát triển khác, nguồn nhân lực khó gia tăng kỹ năng.

Cần chính sách đồng bộ từ các bên

Theo vị chuyên gia này, “điều chúng ta cần phải làm là phải nâng tầm doanh nghiệp Việt để có thể bắt tay với doanh nghiệp FDI một cách bình đẳng, hai bên cùng có lợi”. “Chúng ta nên học bài học của Trung Quốc, Trung Quốc làm điều đó rất tốt nên khi FDI vào, họ tận dụng những cơ hội của FDI để phát triển nội địa rất tốt”.

Cùng với đó, muốn tăng trưởng xanh, phải giải quyết tăng trưởng xanh từ khâu sản xuất, lưu thông, tiêu dùng, và cuối cùng là hậu tiêu dùng.

“Chúng ta phải làm đồng bộ tất cả thì xã hội mới tăng trưởng xanh được, nếu chỉ làm một khâu thì sẽ đứt gãy chuỗi. Cả chuỗi phải xuyên suốt thì mới có kinh tế tuần hoàn”, ông Toàn phân tích.

Theo đó, Việt Nam cần phải có kế hoạch vận hành từ tỉnh, huyện, xã, và kế hoạch vận hành từ doanh nghiệp.

Không chỉ vậy, ông Toàn nhấn mạnh cốt lõi của vấn đề là tất cả doanh nghiệp khi kinh doanh phải đưa tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, giá trị về quyền con người, bảo vệ quyền lợi của người lao động, cũng như bảo vệ quyền của cộng đồng, kể cả người tiêu dùng, là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, chứ không phải là giá trị gia tăng.

Chia sẻ quan điểm, ông Tuấn đánh giá hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã dần thay đổi nhận thức, nhận thấy việc chuyển đổi xanh là điều tất yếu phải làm.

Do đó, vị này nhận định trong tương lai, điều mà chính phủ và các bộ ngành, địa phương, cần làm là tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể triển khai thực hiện các hoạt động sản xuất đầu tư xanh, chứ không phải khuyến khích các doanh nghiệp nhiều nữa. Chính phủ cần tạo bệ đỡ duy trì để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động một cách hiệu quả, và đóng góp tốt hơn vào sự phát triển kinh tế bền vững.

Phương Anh – TheLEADER