Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, các con số tăng trưởng của Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2019 đều đang cho thấy dấu hiệu giảm tốc của nền kinh tế.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu giảm tốc
Nhận định về tăng trưởng kinh tế trong năm 2019, ông Thành cho rằng “chơi vơi và bất định” là hai từ phản ánh đúng tình hình kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2019 ước tính tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng có đóng góp nhiều nhất cho sự tăng trưởng, với mức đóng góp 51,2%.
Mức tăng trưởng này được đánh giá là cao so với cùng kỳ các năm 2016 (5,48%), năm 2017 (5,15%), chỉ thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (7,45%) và là mức tăng khá so với mục tiêu tăng trưởng Chính phủ đã đề ra cho toàn nền kinh tế năm 2019.
Tuy nhiên, theo ông Thành, những con số tăng trưởng của ba tháng đầu năm 2019 đang cho thấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang giảm tốc.
Xu hướng này được thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực xuất khẩu. Không quá khó để nhận ra một trong những điểm đáng chú ý của nền kinh tế quý I/2019 là sự giảm tốc của kim ngạch xuất khẩu.
Theo số liệu được Bộ Kế hoạch và đầu tư, quý đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 58,51 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhập khẩu ước đạt 57,98 tỷ USD, tăng 8,9% so với quý I/2017.
Xuất khẩu vẫn tăng, nhưng tốc độ đã giảm khá nhiều so với cùng kỳ năm 2018. Trong quý I/2018, tăng trưởng xuất khẩu lên tới 24,8%. Mặc dù, tăng trưởng xuất khẩu giảm nhưng con số này vẫn tốt so với các nước trong khu vực khi rất nhiều nước đang tăng trưởng xuất khẩu âm, ông Thành nhận định.
Nhận diện nguyên nhân khiến xuất khẩu giảm tốc trong quý I, ông Thành cho rằng, có hai lý do chính là do ảnh hưởng của yếu tố Trung Quốc và sự sụt giảm tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI.
Theo đó, nguyên nhân lớn nhất nằm ở sự sụt giảm xuất khẩu của mặt hàng điện thoại và linh kiện. Xuất khẩu của nhóm hàng điện thoại và linh kiện, vốn chiếm tới trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã giảm tới 4,3% so với quý I năm ngoái, chỉ đạt 12,1 tỷ USD do Samsung đang trong chu kỳ chuyển đổi sản phẩm, nên cả sản lượng và xuất khẩu đều tăng trưởng chậm lại.
Bên cạnh đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản cũng giảm như rau quả giảm 8,7%, cà phê giảm 15,3%, gạo giảm 11,5%, sắn các loại giảm 22,8%. Tuy vậy, nhóm hàng này chỉ chiếm 4,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, nên tác động không quá lớn.
Động lực tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam lâu nay vẫn nằm ở khu vực FDI, nên khi khu vực này giảm tốc, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung của toàn nền kinh tế cũng nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, tăng trưởng của khu vực này trong quý I đạt khá cao, 8,95%nhưng so với hai năm vừa qua thì đây là quý có tăng trưởng thấp nhất.
Trong lĩnh vực dịch vụ, ông Thành cho rằng, bắt đầu từ cuối năm 2018, đầu năm 2019, lĩnh vực dịch vụ đã có mức tăng trưởng thấp hơn mức tăng trung bình của nền kinh tế, trừ một số lĩnh vực như bán lẻ, du lịch.
Theo vị chuyên gia kinh tế này, mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay là phù hợp với tình hình kinh tế thế giới đầy biến động và cao hơn tăng trưởng chung của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, so với mục tiêu phát triển của Việt Nam thì vẫn chưa đạt so với kỳ vọng.
Việt Nam muốn tạo đà để vượt bẫy thu nhập trung bình, tăng trưởng kinh tế phải đạt 7,5% liên tục trong nhiều năm liên tếp.
Về thực trạng tăng trưởng kinh tế Việt Nam, tại phiên họp thứ 34 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế tiếp tục được cải thiện nhưng đang có dấu hiệu tăng chậm lại. Cả ba khu vực kinh tế đều phát triển theo xu hướng chậm hơn cùng kỳ năm trước.
Ông Dũng nhấn mạnh, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2019 ở mức 6,8%, trong những tháng tới các bộ, ngành và địa phương phải hết sức nỗ lực, cố gắng, tập trung thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phấn đấu thực hiện không thấp hơn mục tiêu đề ra, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng phải đạt cao hơn.
Bên cạnh đó, đối với khu vực dịch vụ, nếu bối cảnh thuận lợi, nhất là việc đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ đạt nhiều kết quả tích cực, tăng trưởng khu vực dịch vụ cả năm đạt mức cao, trên 7,2% thì tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế cả năm có khả năng vượt mục tiêu đề ra, đạt mức tăng trưởng bằng hoặc cao hơn so với năm 2018 là 7,08%.
Về tiềm năng tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, ông Thành cho rằng, cơ hội phát triển của Việt Nam là rất tốt cho trong 10 năm tới. Theo đó, Việt Nam có dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng. Tại TP. HCM và Hà Nội, tầng lớp trung lưu là 50% và trong 10 năm tới, đây sẽ là con số chung của cả nước. Đó là những yếu tố rất tích cực cho tăng trưởng.
An Chi