Dù còn nhiều điểm nghẽn vì phần lớn dự án xanh đều cần nhiều vốn, thời gian hoàn vốn rất dài, văn bản hướng dẫn cụ thể hay cơ chế khuyến khích chưa có nhưng tăng trưởng tín dụng xanh đang lên đến 30%.

 

Tín dụng xanh được ngành ngân hàng hỗ trợ cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh không gây rủi ro hoặc nhằm mục đích bảo vệ môi trường, được áp dụng cho các nhu cầu đầu tư, kinh doanh, tiêu dùng thân thiện với môi trường, như trang bị máy móc, dây chuyền sản xuất không gây tác động đến môi trường; phục vụ kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường; đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà ở, văn phòng, nhà xưởng có sử dụng nguyên vật liệu giảm tiêu thụ năng lượng; xây dựng công trình, mua sắm đồ gia dụng, xe ô tô hạn chế thải khí CO2; triển khai dự án hướng đến bảo vệ môi trường… đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt đề án “Phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam” tháng 8/2018.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện có khoảng 24% dự án xanh được các ngân hàng xây dựng quy trình thẩm định tín dụng, 17 tổ chức tín dụng đã xây dựng quy trình thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong các quy định nội bộ và các ngân hàng, tổ chức tín dụng này đều đưa ra mức ưu đãi. Điểm hấp dẫn nhất của tín dụng xanh là lãi suất thấp và thường ổn định trong suốt thời gian vay.

Đơn cử mới đây, Nam Á Bank đã cùng Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu triển khai chương trình tín dụng xanh, cấp vốn cho doanh nghiệp và cá nhân với các dự án thân thiện với môi trường. Theo đó, lãi suất cho vay doanh nghiệp và cá nhân của Nam Á Bank chỉ  khoảng 7%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 7,5% đối với khoản vay trung – dài hạn.

 

 

Không chỉ có lãi suất hấp dẫn, điều kiện vay vốn với tín dụng xanh được mở rộng theo hướng đa lĩnh vực, đa đối tượng hơn. Trước kia, khái niệm “xanh” thường được hiểu là các dự án liên quan đến môi trường, liên quan nhiều đến việc tài trợ các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Các dự án này thường có quy mô lớn, thời gian hoàn vốn lâu, nên ít tổ chức tín dụng mặn mà nhưng đến thời điểm này, các dự án xanh được hiểu theo nghĩa rộng hơn rất nhiều. Các dự án có quy mô nhỏ, các dự án sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, các khoản vay mua thiết bị tiết kiệm năng lượng, các tòa nhà sử dụng hiệu quả tài nguyên so với truyền thống cũng có thể được xem xét tài trợ vốn giá rẻ, khách hàng cá nhân khi mua ô tô điện, ô tô dòng sedan có mức tiêu thụ nhiêu liệu dưới 5,44 lít/100km; mua thiết bị gia đình có nhãn năng lượng từ 3 sao trở lên là các sản phẩm thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng cũng được hưởng lãi suất hấp dẫn.

Ông Lê Quang Quảng – Phó tổng giám đốc Nam Á Bank cho biết: “Trong các con số tăng trưởng tín dụng cuối năm 2018, lĩnh vực “xanh” lại dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng lên đến 30%, cao hơn các lĩnh vực ưu tiên khác như nông nghiệp nông thôn (15,5%), doanh nghiệp SME (13,5%), hay xuất khẩu (3,5%). Điều này cho thấy, dòng vốn từ ngân hàng chảy vào các dự án xanh ngày càng nhiều hơn.

Tuy nhiên, không phải cứ có yếu tố “xanh” là sẽ được duyệt tài trợ, các nhà băng cũng có những tiêu chí nhất định. Cụ thể, lịch sử tín dụng tốt, kinh doanh có lợi nhuận, có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ xanh tối thiểu một năm”.

Tương tự, OCB cũng đã phối hợp với Công ty CP Năng lượng TTC xây dựng sản phẩm cho vay đầu tư hệ thống mái nhà năng lượng mặt trời nhằm tiết giảm chi phí tiền điện và tham gia vào việc giảm thải các tác động tiêu cực đến môi trường. Với hạn mức cho vay chiếm khoảng 70% tổng giá trị công trình/dự án. Tài sản bảo đảm là các thiết bị chính (tấm pin và bộ chuyển điện).

Đại diện OCB cho biết, các sản phẩm của gói tín dụng xanh này kỳ vọng sẽ chiếm 10% trong tổng doanh thu tín dụng 2019. Hiện tại thị trường chưa có sản phẩm cho vay tương tự nên sản phẩm này sẽ là cú hích thương hiệu cho OCB.

Tuy nhiên trong thực tế, việc phát triển tín dụng xanh và tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, không chỉ chứng minh yếu tố xanh trong dự án, doanh nghiệp, cá nhân đi vay còn phải cho thấy được khả năng quản trị và kinh nghiệm của mình. Điều này cũng đặt ra thách thức chung đối với doanh nghiệp là phải đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và quản trị tốt doanh nghiệp. 

 

LỮ Ý NHI