Vai trò của quản lý cấp trung ngày càng cao
- 11/07/2023
- Posted by: admin
- Categories: Lãnh đạo & Quản lý, Nhân sự
Quản lý cấp trung là chất kết dính lãnh đạo và nhân viên cũng như vai trò kết nối chiến lược với thực thi. Cơ hội thực hiện chiến lược thành công càng cao khi và chỉ khi tổ chức đảm bảo các nhà quản lý cấp trung hiểu và ủng hộ đối với chiến lược của tổ chức.
Trong thế giới VUCA (biến động, không chắc chắn, phức tạp, mơ hồ), các nhà quản lý cấp trung đóng vai trò ngày càng lớn trong tổ chức.
Cụ thể, theo Học viện quản lý GEM, quản lý cấp trung có nhiệm vụ phiên dịch và đơn giản hóa chiến lược thành các mục tiêu cụ thể, có thể đo lường và lôi cuốn nhân viên cùng triển khai. Để chiến lược được thực hiện đúng cách và tạo sự khác biệt thực sự, chiến lược phải được triển khai thông qua con người và văn hóa, trong đó quản lý cấp trung đóng vai trò là cầu nối giữa các nhà hoạch định và nhân sự tại tổ chức.
Bên cạnh đó, người quản lý cấp trung thành công là người nhận diện được tình trạng của đội nhóm, từ đó lên kế hoạch cụ thể để xây dựng và phát triển đội nhóm tin cậy, sẵn sàng giải quyết các xung đột hiệu quả.
Thách thức to lớn đối với người quản lý cấp trung còn là việc tìm ra những hành vi then chốt có khả năng đem lại kết quả cao nhất. Các quản lý cấp trung sẽ ngày càng tham gia nhiều hơn và chịu trách nhiệm lớn hơn về khía cạnh con người và hiệu quả hoạt động của tổ chức
Để thực hiện tốt các vai trò trên, người quản lý cấp trung cần đảm bảo sự kết hợp giữa chiến lược rõ ràng, văn hóa hiệu quả cao và nguồn lực nhân sự chất lượng cao.
Thứ nhất, một chiến lược rõ ràng đóng vai trò như một bản đồ hướng dẫn tổ chức đạt được mục tiêu và khát vọng. Nó cung cấp hướng dẫn, định rõ ưu tiên và xác định những hành động cần thiết để thành công.
Cần lưu ý, chiến lược nên phác thảo rõ ràng những kết quả mong muốn và mục tiêu mà tổ chức nhằm đạt được. Nó định hướng và mục đích cho tất cả mọi người tham gia.
Chiến lược cũng cần phù hợp với các nguồn lực có sẵn, bao gồm nguồn lực tài chính, nhân lực và công nghệ. Điều này đảm bảo nguồn lực được phân bổ tối ưu để hỗ trợ thực hiện chiến lược.
Quản lý cấp trung đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải chiến lược đến đội ngũ của họ. Họ đảm bảo mỗi cá nhân hiểu được cách công việc của mình đóng góp vào chiến lược tổng thể và điều chỉnh mục tiêu tương ứng.
Thứ hai, văn hóa hiệu suất cao đóng vai trò quan trọng vì chiến lược được thực thi thông qua con người và văn hoá. Các giám đốc điều hành phải chịu trách nhiệm cuối cùng về sự thành công của chiến lược nhưng họ không thể tự mình thực hiện các bước có trong kế hoạch. Văn hóa hiệu suất cao tạo điều kiện cho cá nhân và nhóm đạt được tiềm năng tối đa của mình. Nó tạo môi trường xuất sắc, không ngừng cải tiến và có trách nhiệm.
Các yếu tố quan trọng của văn hóa hiệu suất cao bao gồm ba yếu tố. Một là kỳ vọng rõ ràng. Quản lý cấp trung đóng vai trò then chốt trong việc đặt kỳ vọng hiệu suất rõ ràng cho thành viên trong nhóm của họ. Họ xác định các chỉ số hiệu suất chính và đảm bảo rằng mọi người hiểu rõ mục tiêu.
Hai là phản hồi và công nhận. Quản lý cấp trung đưa ra phản hồi và khen thưởng thường xuyên để công nhận những thành tựu và giải quyết các khía cạnh cần cải thiện, tạo môi trường hỗ trợ khuyến khích sự phát triển và học hỏi.
Ba là hợp tác và sáng tạo. Văn hóa hiệu suất cao đánh giá cao sự hợp tác và khuyến khích cá nhân chia sẻ ý tưởng, học hỏi từ nhau và đổi mới. Quản lý cấp trung xây dựng văn hóa giao tiếp mở và làm việc nhóm để thúc đẩy thành công chung.
Yếu tố thứ ba làm nên dấu ấn của quản lý cấp trung trong hiệu quả của tổ chức là đảm bảo nguồn lực nhân sự chất lượng cao – những người có kỹ năng, chuyên môn và năng lực xuất sắc để thúc đẩy thành công.
Lúc này, quản lý cấp trung đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút và lựa chọn nhân tài hàng đầu. Họ xác định kỹ năng, phẩm chất cần thiết cho nhóm của họ và tham gia quá trình tuyển dụng để đảm bảo sự phù hợp.
Quản lý cấp trung cung cấp cơ hội phát triển kỹ năng, hướng dẫn và tiến bộ sự nghiệp. Họ nuôi dưỡng nhân tài bằng cách cung cấp huấn luyện, hỗ trợ, đưa ra các thách thức mới.
Quản lý cấp trung khuyến khích sự đa dạng trong nhóm của mình, nhận ra, sử dụng sức mạnh và quan điểm độc đáo của mỗi thành viên.
Theo Học viện quản lý GEM, quản lý cấp trung là chất kết dính lãnh đạo & nhân viên cũng như vai trò kết nối chiến lược với thực thi. Cơ hội thực hiện chiến lược thành công càng cao khi và chỉ khi tổ chức đảm bảo các nhà quản lý cấp trung hiểu và ủng hộ đối với chiến lược của tổ chức.
Quản lý cấp trung đóng vai trò quan trọng trong phương trình đạt đỉnh cao hiệu suất. Họ là cầu nối giữa các mục tiêu chiến lược của tổ chức và hoạt động hàng ngày. Bằng cách thực hiện chiến lược, xây dựng văn hóa hiệu suất cao và nuôi dưỡng nhân tài phân biệt, quản lý cấp trung đóng góp lớn vào việc đạt được đỉnh cao hiệu suất và đảm bảo sự thành công bền vững của tổ chức.
Như Bharat Anand, Giáo sư quản trị kinh doanh của Đại học Harvard từng nhận định: “Các nhà quản lý cấp trung là trung tâm của việc thực hiện chiến lược”.
Tùng Anh – TheLEADER