Vì sao các cổ phiếu đã nâng “room” tối đa bỗng dưng giảm sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài?
- 07/08/2017
- Posted by: admin
- Category: Quản trị Điều hành
Không như mong đợi của số đông nhà đầu tư (NĐT) trong nước, có vẻ như dòng tiền nước ngoài đã không ào ạt đổ vào các cổ phiếu đã nâng “room” tối đa.
Trong đại hội cổ đông thường niên vào tháng 04, một doanh nghiệp đầu ngành nhựa xây dựng đã thông qua việc nâng tỷ lệ sở hữu vốn của NĐT nước ngoài lên 100%. Doanh nghiệp này cũng đón nhận một thông tin tích cực khác là SCIC đã có quyết định thoái vốn nhà nước tại đây ngay trong năm nay. Vậy mà từ chỗ chưa từng để sót cổ phiếu nào trong nhiều năm liền, NĐT nước ngoài lại liên tục bán ra khối lượng lớn cổ phiếu của doanh nghiệp này trên sàn.
Trước đó rất lâu, hai doanh nghiệp hàng đầu khác trong ngành thực phẩm và chứng khoán cũng đã nâng “room” nước ngoài lên 100%. Kết quả là cho đến nay, NĐT nước ngoài chỉ nâng tỷ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp này lên khoảng 55%, tức là chỉ hơn 6% so với giới hạn trước đó.
Như vậy là viễn cảnh NĐT nước ngoài cạnh tranh thu mua cổ phiếu, thậm chí là thâu tóm doanh nghiệp đã không diễn ra. Hãy cùng phân tích xem liệu đây có phải là một nghịch lý, hay là hiện tượng này có những nguyên nhân phía sau nào đó.
Chuyện ngày xưa
Cổ phiếu đang lưu hành của doanh nghiệp cũng là một dạng hàng hóa thông thường, và cũng phải tuân theo các quy luật cung-cầu của kinh tế học.
Khi tỷ lệ sở hữu vốn của NĐT nước ngoài càng tiến gần với giới hạn cho phép, lượng cổ phiếu mà khối này có thể sở hữu thêm càng ít đi. Nói cách khác, nguồn cung sẽ càng ít đi.
Về nguồn cầu, NĐT nước ngoài tại các doanh nghiệp này đa phần là các tổ chức. Hơn thế nữa, đây là các “activist investors”, nghĩa là các tổ chức này không chỉ đầu tư thụ động vì lợi nhuận hàng năm thông thường, mà họ còn tích cực tham gia quản trị, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, công nghệ, để giúp phát triển nâng tầm doanh nghiệp trong dài hạn.
Do vậy trong ngắn hạn, dù doanh nghiệp có bị ảnh hưởng tiêu cực từ chu kỳ kinh doanh, hay suy thoái kinh tế, hay thậm chí thị giá cổ phiếu có cao hơn giá trị thực thì các tổ chức này vẫn có lý do để nắm giữ hoặc mua thêm cho mục tiêu dài hạn. Nói cách khác, nguồn cầu của NĐT nước ngoài đối với các cổ phiếu này là luôn có.
Chính mối quan hệ cung-cầu như vậy đã giúp thị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp kín “room” luôn giữ được sự ổn định và tăng trưởng tích cực trong nhiều năm liền.
Chuyện ngày nay
Khi doanh nghiệp nâng “room” nước ngoài từ mức thông thường lên mức 100% một cách tức thời, mối quan hệ cung-cầu cổ phiếu của doanh nghiệp đó ngay lập tức có sự thay đổi lớn.
Vì nguồn cung đã tăng đột biến lên mức tối đa, được hỗ trợ thêm bởi các yếu tố như cổ đông lớn nhà nước cũng muốn thoái vốn, NĐT nước ngoài hầu như không còn chịu giới hạn nào. Trên lý thuyết, nếu đủ tiềm lực tài chính, khối này hoàn toàn có thể thâu tóm toàn bộ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, liệu có khôn ngoan khi thâu tóm doanh nghiệp ngay tức thời như vậy? Có vẻ như là không. Việc thâu tóm doanh nghiệp ngay tức thời không chỉ quá đắt đỏ về mặt tài chính, mà còn không thực sự cần thiết do NĐT nước ngoài không cần sở hữu 100% doanh nghiệp để đưa ra các quyết định quan trọng. Dù có đăng ký mua thêm vào, những công bố “mức giá không đạt kỳ vọng” sẽ xuất hiện thường xuyên, trái ngược thời kỳ khối này trao tay thỏa thuận hàng trăm tỷ cổ phiếu giá trần. Như vậy, nguồn cầu sẽ không tăng nhanh đột biến như nguồn cung.
Đặc biệt, đối với doanh nghiệp có kết quả kinh doanh không tích cực trong thời điểm nâng “room” tối đa hay thị giá cổ phiếu quá cao so với giá trị thực, nguồn cầu của NĐT nước ngoài sẽ còn giảm do khối này có thể bán ra trong ngắn hạn, và mua lại dễ dàng không giới hạn sau khi thị giá đã trở về mặt bằng hợp lý hơn.
Đã đến lúc NĐT cần đánh giá khách quan hơn tác động của hiệu ứng nâng tối đa “room” nước ngoài lên thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp.