‘Việt Nam là thị trường tiềm năng cho đầu tư tác động’
- 28/02/2019
- Posted by: admin
- Category: Startup
Theo các chuyên gia, nhóm khởi nghiệp xã hội có tiềm năng phát triển nhưng gặp nhiều thách thức lớn, cần nhiều sự quan tâm.
Chiều ngày 23/2, Ngày hội Kết nối Đầu tư (Demo Day) do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) phối hợp với Doanh nghiệp Xã hội Merry Year (MYSC) và Crevisse Consortium, dưới sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã diễn ra.
Sự kiện mang đến cơ hội kết nối các nhà đầu tư và quỹ đầu tư tác động với các doanh nghiệp xã hội. Là hoạt động chính của Chương trình Tăng tốc Ươm tạo – Remake City Hà Nội – TP HCM, Demo Day hướng tới mục tiêu thúc đẩy hợp tác và đầu tư tác động tại Việt Nam.
Hơn 100 khách mời là đại diện các doanh nghiệp xã hội, quỹ đầu tư, nhà đầu tư, cố vấn doanh nghiệp… có mặt tại ngày hội kết nối. Phát biểu tại sự kiện, bà Caitlin Winsen, Giám đốc Quốc gia UNDP Việt Nam nhấn mạnh vai trò của đầu tư khởi nghiệp xã hội trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu: “Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển, nhân rộng của các mô hình khởi nghiệp xã hội. Nhiều startup đã cho thấy sự nắm bắt các vấn đề toàn cầu và đưa ra giải pháp một cách thấu đáo”.
Chia sẻ kỳ vọng về xu hướng đầu tư tác động tại Việt Nam, ông Jeong Tae Kim, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Merry Year (Hàn Quốc), đơn vị đồng triển khai Remake City tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng đây là cơ hội để các doanh nghiệp tham gia dự án gặp gỡ các nhà đầu tư tác động trong nước và quốc tế, qua đó tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác. Hy vọng với nỗ lực từ các bên liên quan, hoạt động đầu tư tác động tại Việt Nam sẽ có những khởi sắc trong thời gian tới, qua đó giúp thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp và doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động”.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, đại diện các quỹ đầu tư, chuyên gia tư vấn doanh nghiệp đã thảo luận bàn tròn xung quanh chủ đề: “Cơ hội nào cho đầu tư tác động tại động tại Việt Nam”.
Phiên thảo luận về đầu tư tác động tại Việt Nam. |
Bà Phạm Kiều Oanh – Giám đốc CSIP khẳng định: “Việt Nam là thị trường tiềm năng cho hoạt động đầu tư tác động. Điều này thể hiện qua số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp xã hội ngày một tăng. Tuy nhiên, các chính sách hiện tại mới chỉ tập trung vào nhóm khởi nghiệp, trong khi nhóm khởi nghiệp xã hội vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm”.
Ông Trần Lương Sơn – CEO Vietsoftware, đồng thời là sáng lập MITFive khẳng định xu hướng đầu tư tác động đã phổ biến từ nhiều năm trước. Vị chuyên gia dẫn số liệu tại Mỹ, năm 2009, vốn đầu tư cho doanh nghiệp xã hội đạt 50 tỷ USD, dự kiến đạt 500 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này lại gặp khó khăn trong huy động nguồn lực tài chính. “Làm thế nào để khiến mọi người muốn đầu tư – các doanh nghiệp cần trả lời câu hỏi này trước tiên”, ông khẳng định.
Đề cập tới số lượng nhà đầu tư tác động tại Việt Nam, các diễn giả đồng tình rằng có khoảng cách lớn giữa nguồn tài chính và những nền tảng, ý tưởng kinh doanh tốt. Để kết nối chúng với nhau, giám đốc đại diện UNDP tại Việt Nam đưa ra lời khuyên: ” Doanh nghiệp xã hội cần quan tâm xem vấn đề xã hội mình giải quyết có đủ lớn, chứ không nên bắt đầu với một giải pháp dựa trên yếu tố thị trường. Ngoài ra, các startup cần không ngừng cập nhật sự thay đổi của thị trường, thử và sai, đưa ý tưởng vào thực tiễn, học và phát triển mô hình kinh doanh và tích cực mở rộng mạng lưới”.
Nhằm đem đến cơ hội kết nối đầu tư, Demo Day cũng dành phần lớn thời gian và không gian cho các startup xã hội giới thiệu về dự án trước các chuyên gia, nhà đầu tư. Trong đó, các đội tham gia đều sở hữu mô hình kinh doanh hướng tới giải quyết các vấn đề xã hội, thuộc nhiều lĩnh vực đa dạng như môi trường, giáo dục, nhà hàng…
Tiêu biểu, Puritrak đem đến sản phẩm máy lọc không khí, hướng tới môi trường. CentralNest giải quyết vấn đề lãng phí trong ngành dịch vụ, tiết kiệm năng lượng thông qua nền tảng lưu trú dành cho người đi công tác, biến căn hộ bình thường thành những căn hộ phục vụ năng động và sáng tạo. Ybox là doanh nghiệp xã hội, phát triển nền tảng chia sẻ thông tin về công việc, kỹ năng, cơ hội cho giới trẻ, giải quyết vấn đề thất nghiệp và thiếu định hướng nghề nghiệp. Journey of the Senses (JOS) là nhóm các nhà hàng cao cấp và dịch vụ sáng tạo cung cấp bởi những người khuyết tật.
Các startup còn có gian hàng trưng bày, gặp gỡ, thảo luận 1-1 với các nhà đầu tư để nhận cố vấn về kế hoạch tương lai.
Phiên gặp gỡ 1-1 với các nhà đầu tư. |
Vũ Anh Tú – Sáng lập, giám đốc Nhà hàng ăn trong bóng tối (Noir) – một trong top 4 doanh nghiệp Remake City chia sẻ: “Remake City đã thực sự giúp chúng tôi thấu hiểu sự khác biệt giữa kinh doanh đơn thuần và kinh doanh tạo tác động xã hội. Trong việc triển khai kế hoạch kinh mới của mình, chúng tôi luôn ý thức những tác động mà mình có thể mang lại cho những đối tượng yếu thế và điều chỉnh mô hình kinh doanh sao cho phù hợp. Tôi cũng hy vọng các nhà đầu tư tác động trong nước và quốc tế sẽ quan tâm hơn nữa đến các doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động tại Việt Nam.”
Khách mời trải nghiệm công nghệ tại gian hàng của Journey of senses. |
Theo Báo cáo Tổng quan về tình hình đầu tư tác động khu vực Đông Nam Á (2018) do Mạng lưới Đầu tư Tác động Toàn cầu (GIIN) công bố, đầu tư tác động tại Việt Nam đã có những bước tiến lớn kể từ năm 2007. Theo đó, 23 gói đầu tư tác động trị giá 25 triệu USD đến từ các nhà đầu tư tư nhân và 50 gói đầu tư tác động trị giá 1,4 tỷ USD đến từ các tổ chức phát triển tài chính đã được triển khai tại Việt Nam trong hơn 10 năm qua.
Được triển khai từ năm 2017, Remake City là chương trình tăng tốc ươm tạo dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tập trung giải quyết vấn đề xã hội tại Hà Nội, TP. HCM, bên cạnh Seoul (Hàn Quốc) và Jakarta (Indonesia). Remake City tìm kiếm các doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cùng khả năng tạo tác động xã hội tích cực. Chương trình gồm các hoạt động đào tạo, huấn luyện trực tiếp cho mỗi doanh nghiệp, ngày hội kết nối đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình làm việc với nhà đầu tư.
Phạm Vân