Ngày 25/3, Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) Quý I/2019 đạt mức cao nhất kể từ năm 2016 đến nay.

Theo đó, tính đến ngày 20/3, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 10,8 tỷ USD, tăng 86,2% so với cùng kỳ năm 2018. Đây cũng là mức kỷ lục so với cùng kỳ kể từ năm 2016 đến nay (Quý I/2016 đạt 4,03 tỷ USD, Quý I/năm 2017 đạt 7,71 tỷ USD và Quý I/năm 2018 đạt 5,8 tỷ USD).

Xuất khẩu của khu vực FDI chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước

Về lĩnh vực đầu tư, trong 18 ngành lĩnh vực được nhà ĐTNN đầu tư, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được tập trung nhiều nhất với tổng số vốn đạt 8,4 tỷ USD, chiếm 77,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ hai là lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư 778,2 triệu USD, chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 383,2 triệu USD, chiếm 3,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Trong 74 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,4 tỷ USD, chiếm 40,7% tổng vốn đầu tư. Singapore đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,46 USD (chiếm 13,5% tổng vốn đầu tư), Hàn Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,3 tỷ USD (chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư).

Có thể thấy rằng, FDI góp một phần quan trọng vào kinh tế Việt Nam nói chung và xuất khẩu nói riêng. Những năm gần đây, xuất khẩu của khu vực FDI chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước với các mặt hàng chủ lực là hàng công nghiệp công nghệ cao. Trong năm 2017, xuất siêu của khu vực FDI đã bù đắp được nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước và tạo ra giá trị xuất siêu 2,7 tỷ USD.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2018, FDI đóng góp gần 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển của Việt Nam với tỷ trọng khoảng 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Đóng góp của FDI vào ngân sách ngày càng tăng, từ 2,8 tỷ USD trong giai đoạn 1994-2000 lên khoảng 14,2 tỷ USD trong 10 năm từ 2001-2010. Tới năm 2011, khu vực FDI nộp ngân sách khoảng 3,5 tỷ USD; năm 2012 là 3,98 tỷ USD; 5,8 tỷ USD năm 2015; 6 tỷ USD năm 2016 và gần 8 tỷ USD năm 2017.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia lo ngại rằng việc thu hút vốn FDI ngày càng gia tăng chưa hẳn đã là dấu hiệu tốt cho kinh tế Việt Nam.

FDI mang đến không ít hệ lụy cho kinh tế Việt Nam

Một nền kinh tế mạnh cần có nội lực mạnh: khối doanh nghiệp trong nước phải có nguồn lực về công nghệ, vốn, năng lực cạnh tranh mạnh để làm chủ được nền kinh tế và vươn ra toàn cầu. Khi phụ thuộc vào FDI, bài toán về chuyển giao một phần công nghệ và lao động có thể được giải quyết nhanh chóng, nhưng thiếu tính bền vững, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động như hiện nay.

Trên thực tế, FDI thường đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao như gia công, lắp ráp sản phẩm sử dụng nhiều lao động. Như vậy, các doanh nghiệp này chỉ khai thác thế mạnh sẵn có về nhân công, mà không tạo được sự phát triển lan tỏa ra các ngành, làm mất cân đối trong cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản phẩm, cơ cấu vùng kinh tế của Việt Nam. Nhiều việc làm truyền thống của dân cư vùng bị thu hồi đất cho các dự án có FDI cũng làm tăng thêm áp lực xã hội cho các địa phương.

Nhân công Việt Nam đang gia công quần áo thể thao của hãng thời trang Nike

Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp FDI thu hút khoảng 2 triệu lao động làm việc trực tiếp và hàng triệu lao động trong các khâu gián tiếp khác. Tuy nhiên, nhân công ít được đào tạo, thậm chí dùng cơ chế thử việc để liên tục thay lao động. Nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ lao động nữ rất cao, nhưng giá nhân công thấp và có thể gây các bệnh nghề nghiệp. Về cơ bản, thu nhập của người lao động cũng không được cải thiện tích cực và vô hình trung rơi vào bẫy lao động giá rẻ.

Thêm nữa, hầu hết các nhà đầu tư FDI vào Việt Nam là từ các nước châu Á, có công nghệ và kỹ thuật lạc hậu, các nước Hoa Kỳ, Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc có công nghệ tiên tiến, hiện đại lại chiếm tỷ trọng nhỏ. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, 80% DN FDI có công nghệ trung bình, 14% công nghệ thấp và lạc hậu, chỉ có 6% là công nghệ cao. Như vậy, Việt Nam cũng không giành được nhiều lợi thế về công nghệ chuyển giao.

Ngoài ra, trong quá trình kinh doanh ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp FDI tập trung khai thác nhiều tài nguyên thiên nhiên (đặc biệt là khai thác mỏ khoáng sản), gây tàn phá môi trường tự nhiên. Bài học của Vedan, Formosa hay một số doanh nghiệp của Trung Quốc cũng chỉ là một trong số các ví dụ dễ nhận thấy; chưa kể đến ô nhiễm khí, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm bụi, v.v… thậm chí phá hoại đa dạng sinh học.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh (BDI) cho biết, từ khi Việt Nam mở cửa thu hút FDI, tốc độ giảm nhiều hơn. Kinh tế Việt Nam có xu thế dịch chuyển theo hướng dịch vụ thay vì hướng công nghiệp hóa.

GS.TS Trần Thọ Đạt cũng nhận định “Một nền kinh tế tăng trưởng dựa quá nhiều vào FDI sẽ là nền kinh tế tăng trưởng ‘hộ’ các nước khác, khi lợi nhuận của khu vực FDI được mang trở lại đất  nước họ. Những con số tăng trưởng ngày càng cao về thu hút vốn FDI rõ ràng không phải là động lực phát triển kinh tế bền vững cho Việt Nam.

Minh Ngọc