Vốn FDI vào Việt Nam tăng trở lại
- 03/08/2023
- Posted by: admin
- Categories: Tài chính, Tổng hợp
Suy giảm từ đầu năm 2022 tới nay, dòng vốn FDI đã tăng trở lại với hơn 16 tỷ USD đăng ký vào Việt Nam trong 7 tháng qua và xuất hiện các thương vụ góp vốn mua cổ phần trị giá tỷ đô.
Từ đầu năm 2022 đến tháng 6/2023, dòng vốn FDI vào Việt Nam liên tục ghi nhận giảm so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, dấu hiệu phục hồi đã xuất hiện khi tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã tăng trở lại, ghi nhận 7 tháng qua đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư tính đến ngày 20/7/2023.
Cụ thể, đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 1.627 dự án mới, tăng 75,5% so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký mới đạt hơn 7,94 tỷ USD, tăng 38,6%.
Trong khi đó, có 736 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 27% so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 4,16 tỷ USD, giảm 42,5%.
Góp vốn mua cổ phần có 1.594 lượt, giảm 6,6% so với cùng kỳ. Tổng giá trị vốn góp đạt gần 4 tỷ USD, tăng 76,8%.
Theo báo cáo khác của Bộ Kế hoạch và đầu tư, tốc độ tăng số dự án mới lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư, điều đó cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam vừa đưa ra các quyết định đầu tư mới; các tập đoàn lớn hiện đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Các dự án FDI có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới gần 70% số dự án mới, song tổng vốn đầu tư chỉ chiếm khá nhỏ trong tổng vốn đầu tư đăng ký mới.
Trong 7 tháng đầu năm, theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư ngoại đã đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai. Tiếp theo là tài chính ngân hàng; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ.
Trong đó, ngành tài chính ngân hàng thời gian qua gây chú ý với thương vụ SMBC mua 15% vốn của VPBank, trị giá khoảng hơn 1,5 tỷ USD.
Nếu xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 31,1%) và điều chỉnh vốn (chiếm 55%). Bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số giao dịch góp vốn mua cổ phần (chiếm 43%).
Theo đối tác đầu tư, 94 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam, với Singapore dẫn đầu. Theo sau lần lượt là Hàn Quốc, Trung Quốc.
Xét về số dự án, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 20%). Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 26,2%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 28,5%).
Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư ngoại đã rót vốn vào 52 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó Hà Nội tiếp tục ở vị trí dẫn đầu (tăng 2,76 lần so với cùng kỳ năm 2021). Hải Phòng vươn lên vị trí thứ 2 sau khi cuối tháng 6 trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho Dự án LG Innotek Hải Phòng, với vốn tăng thêm hơn 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư lên 2,051 tỷ USD. Tiếp theo là TP.HCM.
Nếu xét về số dự án, TP.HCM dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (39,5%), số lượt dự án điều chỉnh (25%) và góp vốn mua cổ phần (69%).
Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…) như Hà Nội, TP.HCM, Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng…
Vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 11,58 tỷ USD, tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu (kể cả dầu thô) ước đạt hơn 143,8 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ, chiếm 74% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt hơn 142,7 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ, chiếm 73% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Kim ngạch nhập khẩu của khu vực này ước đạt hơn 117,1 tỷ USD, giảm 17% so cùng kỳ và chiếm 64% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Do đó, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu hơn 26,7 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 25,6 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 13,7 tỷ USD.